Saturday, January 25, 2014

Thiết kế xây dựng nhà đẹp có nên tin hoàn toàn theo phong thuỷ

Sau loạt bài “Bát nháo làm tiền từ phong thủy”, một kiến trúc sư đã kể lại những câu chuyện dở cười dở mếu trong nghề từ các “thầy” và những khách hàng mê muội.



Phong thủy "trói tay" nhà thiết kế

Phong thủy trong kiến trúc xưa nay vừa mang yếu tố khoa học vừa mang tính tâm lý cao. Theo đó một công trình được xem là có phong thủy tốt khi công trình ấy được thiết kế khoa học, hợp lý về công năng sử dụng, an toàn về kết cấu, có tính thẩm mỹ không xa lạ với văn hóa, tập quán dân tộc và trên hết tạo được sự thoải mái trong tâm lý, sức khỏe cho người sử dụng. Thế nhưng ngày nay có vẻ như trong suy nghĩ của không ít người thiết kế phong thủy đang ở thế đối đầu với kiến trúc, làm hỏng kiến trúc.

Nhiều yêu cầu vô lý

Trên thực tế, người thiết kế gặp không ít những yêu cầu vô lý của chủ nhà mà thực ra đằng sau những yêu cầu ấy là bóng dáng của “thầy phong thủy”.

Khi chuẩn bị cất nhà, thay vì người thiết kế là đối tượng cần gặp trước tiên thì với không ít chủ nhà đó lại là các “thầy phong thủy”. Trớ trêu là ngoài công việc chính nên làm là tư vấn về tuổi tác, hướng nhà, hướng bếp, ngày khởi công… thì không ít “thầy” đã lấn sân người thiết kế bằng việc “binh” luôn phương án bố trí cho công trình với số phòng cụ thể (không quan tâm có phù hợp nhu cầu hay không) với đầy đủ cung mệnh, số đen, số đỏ và buộc chủ nhà (mà thực ra là buộc người thiết kế) nhất nhất tuân theo nếu không muốn “tán gia bại sản”, “bệnh tật triền miên”, “gia đình ly tán”, “con cái bất kính”, “đoản mệnh vong thân”!

Số bậc cầu thang, hướng bếp… là những vấn đề thường xuyên được các thầy phong thủy quan tâm khi xây dựng nhà.

Người thiết kế khi này chỉ có thể bấm bụng vẽ theo hoặc “bỏ của chạy lấy người” nếu có lòng tự trọng nghề nghiệp hay khi dung hòa không xong giữa những yêu cầu vô lý từ “thầy phong thủy” và những kiến giải khoa học trong thiết kế. Nhiều “thầy” phán những câu mà gia chủ giàu có sung túc đâu chưa thấy đã thấy bất hòa với hàng xóm và ngay cả trong gia đình. Chẳng hạn như việc phải xây nhà mình cao hơn nhà lân cận “một cục gạch cũng được” hoặc dùng vật gì đấy “triệt” hướng nào đấy vốn phù hợp với tuổi của một thành viên trong nhà song lại “khắc” với chủ nhà.

Những vấn đề thường xuyên được các “thầy” quan tâm trong khi xây dựng nhà thường là hướng đặt bếp, số bậc cầu thang, chiều đi lên của cầu thang, lối vào nhà sau, vị trí đặt khu thờ cúng, hướng và vị trí mở cửa… Đôi khi các “thầy” đưa ra những “chống chỉ định” vô lý đến nỗi người liên quan chỉ có thể tuân thủ nếu… không xây dựng nhà hoặc chủ nhà đủ dũng khí tiết giảm hay bỏ hẳn những “chống chỉ định” ấy.

Thực tế đã xảy ra trường hợp “thầy” yêu cầu số bậc cầu thang phải rơi vào bậc sinh hoặc lão theo thứ tự sinh lão bệnh tử. Với chiều cao trung bình của công trình trên 3 m thì số bậc thường phải rơi vào bậc 21 (sinh) hoặc 22 (lão). Thế nhưng đã có “thầy” tính toán “giỏi” thế nào không rõ mà yêu cầu chủ nhà hai lầu nếu chọn bậc sinh, bậc lão như trên thì phải thống nhất cả hai tầng, song cộng lại hai tầng nhất thiết phải là… số bậc lẻ (?!) (số lẻ là số dương, hợp với nhà ở).

Có trường hợp người thiết kế đã phát cáu với “thầy phong thủy” khi trong quá trình tư vấn chủ nhà nhiều lần yêu cầu “thầy” tư vấn hướng bếp để người thiết kế bố trí, song để tỏ ra “rất quan trọng” “thầy” chỉ xuất hiện vào đúng ngày khởi công, khi mà hồ sơ thiết kế đã hoàn chỉnh từ A đến Z. Ngày ấy, “thầy” lật bản vẽ ra nói một câu: “Hướng bếp theo thiết kế hợp với nữ chủ nhà, song lại kỵ với người chồng nên nếu làm hướng bếp theo thiết kế thì phải chấp nhận cảnh… mạng vong!”.

Những câu phán của “thầy” khiến vợ chồng chủ nhà lập tức nổ ra “chiến tranh lạnh”, ngày khởi công phải dời lại, bản vẽ phải điều chỉnh và trên hết phát ngôn ấy thiếu tế nhị, phản văn hóa ứng xử vốn hết sức quan trọng đối với người làm công tác tư vấn, trong đó có tư vấn về phong thủy.

Tin mơ hồ vào vật phẩm

Trong quá trình tư vấn thiết kế, giới thiết kế còn thường xuyên gặp những tình huống dở cười dở mếu mang tên “phong thủy”. Ngày nay có vẻ là thời buổi thịnh hành của các vật phẩm phong thủy.

Theo các “thầy”, những con vật mang yếu tố phong thủy dễ mang lại sự may mắn, điềm lành, tài lộc, sức khỏe cho chủ nhà. Đã có không ít người tin vào uy phong của con tỳ hưu vốn không có hậu môn; nhiều người sẵn sàng mang cặp sư tử về “trấn trạch” nhà cửa, thể hiện sự thành đạt, thậm chí để “xưng vương” song ít ai hiểu sư tử vốn là linh vật… trấn giữ lăng mộ.

No comments:

Post a Comment

Popular Posts